Điều 19. Quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh
1. Công tác chuẩn bị
a) Bố trí người lao động tiếp nhận, sơ chế chất thải cồng kềnh; vận hành hệ thống cắt, nghiền; vận hành trạm cân, tái chế, tái sử dụng chất thải cồng kềnh và các công tác khác;
b) Chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động (quần áo bảo hộ lao động, giầy, ủng, mũ, găng tay, khẩu trang, dây an toàn,...); thiết bị, dụng cụ tháo dỡ chất thải cồng kềnh; chổi, xẻng và các dụng cụ lao động cần thiết khác phục vụ tiếp nhận, sơ chế chất thải cồng kềnh; tái sử dụng và xử lý chất thải cồng kềnh;
c) Kiểm tra các máy móc, thiết bị khu vực tiếp nhận, sơ chế (máy cưa, máy bổ củi, máy tách kim loại,...); khu vực cắt, nghiền (máy cắt, nghiền, hệ thống băng tải,...) và các máy móc, thiết bị cần thiết khác đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
2. Tiếp nhận và sơ chế chất thải cồng kềnh:
a) Kiểm tra lệnh vận chuyển. Hướng dẫn phương tiện vận chuyển chất thải qua trạm cân khi vào và ra khỏi cơ sở xử lý để xác định khối lượng; xuất phiếu cân giao nhận chất thải; ghi chép số liệu chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận;
b) Hướng dẫn phương tiện vận chuyển đổ chất thải vào khu vực tập kết;
c) Phân loại chất thải cồng kềnh thành các loại riêng biệt theo chủng loại, chất liệu, khả năng tái sử dụng, tái chế,... Đối với những loại chất thải cồng kềnh có thành phần chất nguy hại (như dầu, mỡ thải, thủy ngân,...), nguy hiểm (khí gas, Chlorofluorocarbon (CFC),...) thì phải thực hiện phân tách riêng để chuyển giao cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
3. Tái sử dụng và xử lý chất thải cồng kềnh
a) Kiểm tra, thay thế, sửa chữa, làm mới,... các chất thải cồng kềnh còn khả năng tái sử dụng để kéo dài vòng đời sản phẩm;
b) Tháo, dỡ, cưa, nghiền, ép,... các chất thải cồng kềnh không còn khả năng tái sử dụng để giảm kích thước, thể tích và phân định, phân loại chất thải thành các nguyên liệu, vật liệu phục vụ quá trình tái chế, sản xuất. Tùy vào mục đích tái chế, chất thải tiếp tục qua các công đoạn xử lý tiếp theo để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn (viên nén, mùn gỗ làm ván ép, giá thể trồng cây,...).
4. Kết thúc ca làm việc
a) Kiểm kê, kiểm tra, bàn giao máy móc, thiết bị, vật liệu, dụng cụ lao động cho ca tiếp theo;
b) Vệ sinh, tập kết phương tiện, dụng cụ lao động vào vị trí quy định;
c) Vệ sinh môi trường, máy móc thiết bị tại từng bộ phận khi hết ca làm việc;
d) Quét dọn chất thải tại các đường giao thông nội bộ, hành lang, khu vực tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt; khơi thông hệ thống mương thoát nước; phun chế phẩm khử mùi, hóa chất diệt côn trùng;
đ) Thống kê, báo cáo các thông tin, số liệu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Last updated
Was this helpful?