Điều 12. Quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế

Điều 12. Quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế

1. Công tác chuẩn bị

a) Bố trí người lao động kiểm tra thiết bị đảm bảo điều kiện vận hành theo quy định; điều phối, hướng dẫn xe ra vào trạm cân; vận hành trạm cân; phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; vận hành máy ép kiện; vệ sinh môi trường;

b) Chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động (quần, áo bảo hộ lao động, giầy, ủng, mũ, kính bảo hộ, găng tay, khẩu trang,...); vệ sinh nhà xưởng (chổi, xẻng, giẻ lau,...); thiết bị, dụng cụ phá dỡ (tua vít, kéo, búa, dao,...) và các dụng cụ lao động cần thiết khác;

c) Kiểm tra máy móc, thiết bị khu vực trạm cân, máy ép kiện, hệ thống điện và các thiết bị cần thiết khác đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

2. Tiếp nhận chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế

a) Kiểm tra lệnh vận chuyển, từ chối tiếp nhận chất thải không phải là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế. Báo cáo người có thẩm quyền trong đơn vị công tác khi phát hiện có bất thường hoặc vi phạm để có biện pháp xử lý, quản lý theo quy định;

b) Hướng dẫn phương tiện vận chuyển chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế qua trạm cân khi vào và ra khỏi trạm phân loại để xác định khối lượng; xuất phiếu cân giao nhận chất thải; ghi chép số liệu chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận;

c) Hướng dẫn phương tiện vận chuyển chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế di chuyển đến vị trí tiếp nhận chất thải. Chuyển chất thải từ phương tiện vận chuyển vào khu vực lưu giữ chất thải.

3. Phân loại, ép kiện chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế

a) Phân loại sơ bộ chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế thành từng loại giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da thải, đồ gỗ thải, cao su thải, thiết bị điện, điện tử thải,... và lưu giữ vào các vị trí riêng biệt theo quy định;

b) Tháo dỡ máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ thành từng loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và lưu giữ vào các vị trí riêng biệt theo quy định;

c) Phân loại thủ công hoặc phân loại tự động chi tiết từng loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo mục đích tái sử dụng, tái chế. Lưu giữ từng loại chất thải sau phân loại chi tiết vào vị trí quy định;

d) Ép kiện chất thải kim loại (vỏ lon nhôm, hộp sắt,...); chất thải nhựa có cùng mục đích tái chế để giảm thể tích của từng loại chất thải theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bốc xếp chất thải sau ép vào vị trí quy định;

đ) Thu gom, lưu giữ, xử lý, quản lý chất thải không có khả năng tái sử dụng, tái chế theo quy định về bảo vệ môi trường.

4. Kết thúc ca làm việc

a) Kiểm kê, kiểm tra, bàn giao máy móc, thiết bị, vật liệu, dụng cụ lao động cho ca tiếp theo;

b) Vệ sinh, tập kết phương tiện, dụng cụ lao động vào vị trí quy định;

c) Vệ sinh môi trường, máy móc thiết bị tại từng bộ phận khi hết ca làm việc;

d) Quét dọn chất thải tại các đường giao thông nội bộ, hành lang, khu vực tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt; khơi thông hệ thống mương thoát nước; phun chế phẩm khử mùi, hóa chất diệt côn trùng;

đ) Thống kê, báo cáo các thông tin, số liệu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Last updated

Was this helpful?