QCVN 01-1:2024/BYT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2024

THÔNG TƯ 52/2024/TT-BYT - BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VÀ QUY ĐỊNH KIỂM TRA, GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG NƯỚC SẠCH SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH SINH HOẠT

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 43 Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định:

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

2. Nội kiểm, ngoại kiểm, kiểm tra và giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (sau đây gọi là nước sạch).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị cấp nước là tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh.

2. Đơn vị sử dụng nước là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu chung cư, khu tập thể, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng có bể chứa nước sạch được cung cấp bởi đơn vị cấp nước.

3. Nội kiểm là việc lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng nước sạch do đơn vị cấp nước, đơn vị sử dụng nước tổ chức thực hiện.

4. Ngoại kiểm là việc thực hiện lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng nước sạch do cơ quan y tế được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao tổ chức thực hiện. Hoạt động ngoại kiểm có thể thực hiện độc lập hoặc phối hợp với hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch.

5. Kiểm tra, giám sát là việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về nội kiểm, ngoại kiểm và đảm bảo chất lượng nước sạch do cơ quan quản lý nhà nước về y tế, cơ quan y tế được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

Điều 3. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch

Ban hành kèm theo Thông tư này quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt - QCVN 01-1:2024/BYT (sau đây gọi là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia).

Điều 4. Quy định về nội kiểm chất lượng nước sạch

1. Đơn vị cấp nước phải thực hiện nội kiểm chất lượng nước sạch như sau:

a) Tần suất và thông số thử nghiệm đối với các tỉnh, thành phố đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (sau đây gọi là quy chuẩn kỹ thuật địa phương):

- Thực hiện thử nghiệm tất cả các thông số chất lượng nước sạch theo quy định tại Điều 4 của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này định kỳ 03 năm một lần và trong các trường hợp sau: Trước khi đi vào vận hành lần đầu; sau khi nâng cấp, sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất; khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch; khi xuất hiện yếu tố trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp kết quả thử nghiệm đạt theo quy định tại Điều 4 của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong 02 lần thử nghiệm định kỳ liên tiếp thì tần suất thử nghiệm định kỳ được giảm xuống 05 năm một lần cho đến khi có kết quả thử nghiệm không đạt;

- Tần suất thử nghiệm định kỳ đối với tất cả các thông số chất lượng nước sạch nhóm A: không ít hơn 01 tháng một lần;

- Tần suất thử nghiệm định kỳ đối với tất cả các thông số chất lượng nước sạch nhóm B theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Không ít hơn 06 tháng một lần. Trường hợp kết quả thử nghiệm đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật địa phương trong 2 lần thử nghiệm định kỳ liên tiếp thì tần suất thử nghiệm được giảm xuống 01 năm một lần. Đơn vị cấp nước được áp dụng tần suất 01 năm một lần cho đến khi có kết quả thử nghiệm không đạt;

- Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định tần suất thử nghiệm nhiều hơn tần suất định kỳ nêu trên.

b) Tần suất và thông số thử nghiệm đối với các tỉnh, thành phố chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương:

- Thực hiện thử nghiệm tất cả các thông số chất lượng nước sạch theo quy định tại Điều 4 của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong các trường hợp sau: Trước khi đi vào vận hành lần đầu; sau khi nâng cấp, sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất; khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch; khi xuất hiện yếu tố trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Tần suất thử nghiệm định kỳ đối với tất cả các thông số chất lượng nước sạch nhóm A: không ít hơn 01 tháng một lần;

- Tần suất thử nghiệm định kỳ đối với tất cả các thông số chất lượng nước sạch nhóm B theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Không ít hơn 06 tháng một lần. Trường hợp kết quả thử nghiệm đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong 2 lần thử nghiệm định kỳ liên tiếp thì tần suất thử nghiệm được giảm xuống 01 năm một lần. Đơn vị cấp nước được áp dụng tần suất 01 năm một lần cho đến khi có kết quả thử nghiệm không đạt;

- Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định tần suất thử nghiệm nhiều hơn tần suất định kỳ nêu trên.

c) Số lượng và vị trí lấy mẫu thử nghiệm:

- Đơn vị cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm hoặc cung cấp cho dưới 6.500 dân: Lấy ít nhất 01 mẫu tại bể chứa nước sạch đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước và 01 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng cuối mạng lưới cấp nước;

- Đơn vị cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000m3/ngày đêm đến dưới 15.000m3/ngày đêm hoặc cung cấp cho từ 6.500 đến dưới 100.000 dân: Lấy ít nhất 01 mẫu tại bể chứa nước sạch đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước và 02 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng trên mạng lưới cấp nước;

- Đơn vị cấp nước có công suất thiết kế từ 15.000m3/ngày đêm đến dưới 30.000m3/ngày đêm hoặc cung cấp cho từ 100.000 đến dưới 200.000 dân: Lấy ít nhất 01 mẫu tại bể chứa nước đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước và 03 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng trên mạng lưới cấp nước;

- Đơn vị cấp nước có công suất thiết kế từ 30.000m3/ngày đêm trở lên hoặc cung cấp cho từ 200.000 dân trở lên: Lấy ít nhất 01 mẫu tại bể chứa nước đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước, 03 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng trên mạng lưới cấp nước và thêm 01 mẫu ngẫu nhiên tại vòi sử dụng trên mạng lưới cấp nước cho mỗi 15.000m3 tăng thêm hoặc cho mỗi 100.000 dân tăng thêm;

- Trong trường hợp có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tình hình dịch bệnh có thể tăng số lượng mẫu nước để thử nghiệm theo đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực tế.

d) Kết quả nội kiểm chất lượng nước sạch phải được đơn vị cấp nước công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả nội kiểm. Trường hợp không có trang thông tin điện tử, đơn vị phải thông báo trước cổng trụ sở tối thiểu 20 ngày kể từ ngày có kết quả nội kiểm;

đ) Trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả thử nghiệm các thông số vi sinh vật không đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đơn vị cấp nước phải kiểm tra xác định nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục, lấy mẫu và thử nghiệm lại các thông số vi sinh vật không đạt. Số lượng và vị trí lấy mẫu: 01 mẫu tại bể chứa nước sạch đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước, 01 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng.

Trường hợp kết quả thử nghiệm không đạt theo quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục, đơn vị cấp nước phải báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước để có biện pháp giải quyết, kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân và báo cáo cơ quan y tế có thẩm quyền để theo dõi;

e) Trường hợp kết quả thử nghiệm các thông số cảm quan, thông số hóa học, thông số nhiễm xạ không đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương thì đơn vị cấp nước phải tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục, lấy mẫu và thử nghiệm lại các thông số không đạt. Số lượng và vị trí lấy mẫu: 01 mẫu tại bể chứa nước sạch đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước, 01 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng.

- Kết quả thử nghiệm đạt theo quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục thì vẫn phải tiếp tục lấy mẫu và đánh giá lại các thông số không đạt trước đó với tần suất ít nhất 01 tháng một lần và trong vòng 03 tháng liên tục với số lượng, vị trí lấy mẫu: 01 mẫu tại bể chứa nước sạch đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước, 01 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng;

- Kết quả thử nghiệm không đạt theo quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục, đơn vị cấp nước phải báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước để có biện pháp giải quyết, kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân và báo cáo cơ quan y tế có thẩm quyền để theo dõi.

2. Đơn vị sử dụng nước phải tổ chức thực hiện nội kiểm chất lượng nước sạch như sau:

a) Tần suất và thông số thử nghiệm:

- Tần suất thử nghiệm định kỳ không ít hơn 06 tháng một lần. Trường hợp có nghi ngờ về chất lượng nước sạch thì phải thử nghiệm ngay. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định tần suất thử nghiệm nhiều hơn tần suất định kỳ nêu trên;

- Thông số thử nghiệm: Tất cả các thông số nước sạch nhóm A và 02 thông số Trực khuẩn mủ xanh và Tụ cầu vàng.

b) Số lượng và vị trí lấy mẫu thử nghiệm: Lấy ít nhất 01 mẫu tại bể chứa nước tập trung và 01 mẫu ngẫu nhiên tại vòi sử dụng. Nếu có từ 02 bể chứa nước sạch trở lên thì mỗi bể lấy ít nhất 01 mẫu tại bể và 01 mẫu ngẫu nhiên tại vòi sử dụng;

c) Kết quả nội kiểm chất lượng nước sạch theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này phải được đơn vị sử dụng nước công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả nội kiểm. Trường hợp không có trang thông tin điện tử, đơn vị phải thông báo tại bảng tin của đơn vị tối thiểu 20 ngày kể từ ngày có kết quả nội kiểm;

d) Trường hợp kết quả thử nghiệm các thông số nước sạch của đơn vị sử dụng nước không đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đơn vị sử dụng nước phải:

- Tiến hành thông báo ngay cho đơn vị cấp nước để phối hợp kiểm tra và xác định nguyên nhân, áp dụng các biện pháp khắc phục, lấy mẫu và thử nghiệm lại các thông số không đạt trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả thử nghiệm không đạt. Số lượng và vị trí lấy mẫu: 01 mẫu nước ngay sau đồng hồ cấp cho đơn vị sử dụng nước, 01 mẫu tại bể chứa nước sạch và 01 mẫu tại vòi cung cấp từ bể chứa nước sạch có thông số không đạt;

- Kết quả thử nghiệm không đạt theo quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục thì phải phân định rõ trách nhiệm của đơn vị cấp nước hay đơn vị sử dụng nước. Đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước để có biện pháp giải quyết, kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân và báo cáo cơ quan y tế có thẩm quyền để theo dõi.

Điều 5. Quy định về ngoại kiểm, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch

1. Đối với đơn vị cấp nước:

a) Kiểm tra việc thực hiện nội kiểm và lấy mẫu thử nghiệm tất cả các thông số chất lượng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương; kiểm tra hồ sơ theo dõi chất lượng nước sạch quy định tại điểm c khoản 7 Điều 6 Thông tư này;

b) Số lượng và vị trí mẫu thử nghiệm ngoại kiểm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

c) Tần suất ngoại kiểm chất lượng nước sạch:

- Mỗi đơn vị cấp nước phải được ngoại kiểm định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

- Ngoại kiểm đột xuất được thực hiện trong các trường hợp sau: Khi có nghi ngờ về chất lượng nước sạch qua theo dõi báo cáo tình hình chất lượng nước sạch định kỳ, đột xuất của đơn vị cấp nước; khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước; khi kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch hoặc điều tra dịch tễ không đạt; khi có các phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước sạch; khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch, đơn vị ngoại kiểm thông báo bằng văn bản cho đơn vị cấp nước được ngoại kiểm; công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị ngoại kiểm; thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan chủ quản đơn vị cấp nước đã được ngoại kiểm (nếu có) về kết quả ngoại kiểm;

đ) Trường hợp kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch không đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đơn vị ngoại kiểm phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý cấp trên và thông báo cho đơn vị cấp nước được ngoại kiểm để thực hiện theo quy định tại các điểm đ, e khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

2. Đối với đơn vị sử dụng nước:

a) Thực hiện ngoại kiểm, kiểm tra, giám sát trong trường hợp:

- Xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước;

- Có các phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước sạch;

- Có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

b) Số lượng, vị trí lấy mẫu và thông số thử nghiệm quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

c) Trường hợp kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch không đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đơn vị ngoại kiểm phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý cấp trên và thông báo cho đơn vị sử dụng nước được ngoại kiểm để thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

3. Đối với đơn vị và hộ gia đình tự khai thác sử dụng.

a) Thực hiện ngoại kiểm, kiểm tra, giám sát trong trường hợp:

- Khu vực khai thác nước có nguy cơ ô nhiễm trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định;

- Theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền khi: Có xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước; có các phản ánh của tổ chức, cá nhân về chất lượng nước sạch.

b) Thông số thử nghiệm chất lượng nước theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư này hoặc theo nguy cơ ô nhiễm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

c) Vị trí và số lượng mẫu thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch: Lấy 01 mẫu nước tại vòi sử dụng hoặc bể chứa nước hoặc trực tiếp tại khu vực khai thác;

d) Trường hợp kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch không đạt theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đơn vị ngoại kiểm phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý cấp trên, chính quyền địa phương, thông báo cho đơn vị, hộ gia đình được ngoại kiểm và phối hợp tìm nguyên nhân.

4. Biên bản ngoại kiểm, kiểm tra và giám sát chất lượng nước sạch thực hiện theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương;

b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này theo nguyên tắc:

- Các thông số nhóm A: Thông số bắt buộc áp dụng;

- Các thông số nhóm B: Lựa chọn các thông số phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

- Ngưỡng giới hạn của các thông số không được vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép, riêng khoảng giới hạn của thông số pH và Clo dư tự do phải nằm trong khoảng giới hạn cho phép quy định tại Điều 4 của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Xác định khu vực khai thác nước có nguy cơ trên địa bàn;

d) Bố trí ngân sách và chỉ đạo công tác ngoại kiểm, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch định kỳ và đột xuất hằng năm; đầu tư nâng cấp trang thiết bị phòng thử nghiệm để có đủ khả năng thực hiện thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch theo quy định tại Thông tư này;

đ) Chỉ đạo việc đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục cho người dân khi xảy ra sự cố về chất lượng nước sạch.

3. Các Viện chuyên ngành trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Tổng hợp, phân tích và báo cáo tình hình chất lượng nước sạch của các tỉnh, thành phố trong địa bàn phụ trách và có kế hoạch đào tạo tập huấn, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương trong việc thực hiện quy chuẩn;

b) Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước sạch trên địa bàn phụ trách;

c) Tổ chức lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng nước sạch, điều tra và đánh giá nguyên nhân khi có yêu cầu của Bộ Y tế;

d) Hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố trong địa bàn phụ trách xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch;

đ) Kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn phụ trách;

e) Báo cáo theo Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này định kỳ 6 tháng, hàng năm cho Cục Quản lý Môi trường y tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng của tháng 6 và tháng 12.

4. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm phổ biến, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện Thông tư này trên địa bàn;

b) Tiếp nhận bản công bố hợp quy của đơn vị cấp nước trên địa bàn theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp;

c) Xây dựng kế hoạch, bảo đảm nhân lực, trang thiết bị trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí (trong ngân sách hằng năm) cho việc thực hiện kiểm tra, giám sát và ngoại kiểm chất lượng nước sạch trên địa bàn;

d) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kiểm tra, giám sát, ngoại kiểm chất lượng nước sạch theo Thông tư này trên địa bàn và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Chỉ đạo việc thực hiện kiểm tra, giám sát và ngoại kiểm chất lượng nước do đơn vị và hộ gia đình tự khai thác sử dụng tại vùng có nguy cơ ô nhiễm trên địa bàn;

e) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo chất lượng nước sạch của các đơn vị cấp nước trên địa bàn.

5. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hằng năm trình Sở Y tế để thực hiện việc ngoại kiểm, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Thực hiện kiểm tra, giám sát và ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có công suất từ 1.000m3/ngày đêm trở lên trên địa bàn theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;

c) Chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm y tế cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát và ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm;

d) Chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm y tế cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát và ngoại kiểm chất lượng nước sạch của đơn vị sử dụng nước; đơn vị và hộ gia đình tự khai thác sử dụng;

đ) Báo cáo theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này định kỳ 6 tháng, hằng năm cho Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cuối cùng của tháng 6 và tháng 12.

6. Trung tâm Y tế cấp huyện có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hằng năm về việc kiểm tra, giám sát và ngoại kiểm chất lượng nước sạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Thực hiện kiểm tra, giám sát và ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm trên địa bàn theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;

c) Thực hiện kiểm tra, giám sát và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh ngoại kiểm chất lượng nước sạch của đơn vị sử dụng nước theo điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư này; đơn vị và hộ gia đình tự khai thác sử dụng theo điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư này;

d) Báo cáo theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này định kỳ hằng quý, 6 tháng và hằng năm cho cơ quan quản lý cấp trên trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cuối cùng của tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12.

7. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định tại Thông tư này;

b) Thực hiện công bố hợp quy về chất lượng nước sạch theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp;

c) Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch:

- Các kết quả thử nghiệm thông số chất lượng nước sạch định kỳ, đột xuất bao gồm cả kết quả nội kiểm theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch;

- Các hồ sơ về hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất nước sạch;

- Kết quả khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch;

- Minh chứng công khai thông tin về chất lượng nước sạch.

d) Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Đề xuất các thông số chất lượng nước sạch và mức giới hạn tương ứng để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch;

e) Đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục, chất lượng đạt theo quy chuẩn cho người dân khi xảy ra sự cố về chất lượng nước (nếu có);

g) Báo cáo kết quả thử nghiệm chất lượng nước sạch hằng quý và cả năm theo Mẫu số 06 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Trung tâm y tế cấp huyện đối với đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh đối với đơn vị cấp nước có công suất trên 1.000m3/ngày đêm trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12 và cả năm. Báo cáo trường hợp kết quả thử nghiệm các thông số nước sạch không đạt (nếu có).

8. Đơn vị sử dụng nước có trách nhiệm:

a) Thường xuyên tự kiểm tra, đảm bảo vệ sinh bể chứa nước sạch, bể chứa trung gian và hệ thống truyền dẫn nước sạch; thực hiện các quy định về nội kiểm chất lượng nước sạch tại khoản 2 Điều 4 và phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện ngoại kiểm chất lượng nước sạch theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này;

b) Lưu trữ và quản lý hồ sơ, kết quả nội kiểm theo dõi chất lượng nước sạch;

c) Báo cáo sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch và các biện pháp, kết quả khắc phục cho cơ quan quản lý và cơ quan y tế có thẩm quyền trên địa bàn.

9. Đơn vị, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng cho mục đích sinh hoạt có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định về sử dụng nguồn nước an toàn theo khuyến cáo của chính quyền địa phương;

b) Thường xuyên tự kiểm tra, đảm bảo vệ sinh của các công trình, thiết bị, dụng cụ thu, xử lý, lưu trữ nước sạch. Có biện pháp bảo vệ nguồn nước và hệ thống lưu trữ không bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và làng nghề;

c) Kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện có hiện tượng bất thường về chất lượng nước.

10. Trường hợp đơn vị cấp nước có nhiều công trình cấp nước, hoạt động nội kiểm, ngoại kiểm, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch phải được thực hiện đối với từng công trình cấp nước của đơn vị đó theo quy định tại Thông tư này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch; Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số Điều của Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 8. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 9. Quy định chuyển tiếp

1. Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2027, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy chuẩn kỹ thuật địa phương bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung, thay thế quy chuẩn kỹ thuật địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương trước ngày Thông tư này có hiệu lực được áp dụng một trong hai trường hợp sau đây:

a) Tiếp tục áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương được ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực;

b) Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư này kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Thanh tra tra Bộ, các Vụ, Cục có liên quan, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị và cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Quản lý Môi trường y tế) để được hướng dẫn và xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG/ Nguyễn Thị Liên Hương

Last updated

Was this helpful?