Điều 18. Quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt không thu hồi năng lượng
1. Công tác chuẩn bị
a) Bố trí người lao động tiếp nhận và sơ chế chất thải rắn sinh hoạt; vận hành lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống xử lý khí thải, hệ thống thu gom, lưu giữ tro bay, xỉ đáy lò; vận hành hệ thống cấp nước (đối với cơ sở sử dụng nước giếng khoan); vận hành hệ thống xử lý nước thải; vệ sinh môi trường, an toàn lao động;
b) Chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động (quần, áo bảo hộ lao động, giầy hoặc ủng, mũ, kính, găng tay, khẩu trang, dây an toàn lao động,...); chổi, xẻng và các dụng cụ lao động cần thiết khác phục vụ tiếp nhận và sơ chế chất thải rắn sinh hoạt; vận hành lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống xử lý khí thải, hệ thống thu gom, lưu giữ tro bay, xỉ đáy lò; vận hành hệ thống cấp nước (đối với cơ sở sử dụng nước giếng khoan); vận hành hệ thống xử lý nước thải;
c) Chuẩn bị vật liệu, hoá chất cho công tác tiếp nhận và sơ chế chất thải rắn sinh hoạt (chế phẩm khử mùi, hóa chất diệt côn trùng, nước,...); chuẩn bị vật liệu, hoá chất cho công tác vận hành lò đốt (nhiên liệu), hệ thống xử lý khí thải (vật liệu, hóa chất xử lý bụi, nitơ oxyt (NOx), lưu huỳnh dioxyt (SOx), axit Clohydric (HCl), axit Flohydric (HF),... và vật liệu hấp phụ chất hữu cơ (VOC), dioxin, furan,...); chuẩn bị vật liệu, hoá chất cho công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải (hóa chất trung hòa, keo tụ, tạo bông, khử trùng, vật liệu lọc,...); thu gom, lưu giữ tro bay, xỉ đáy lò và các vật liệu, hóa chất cần thiết khác;
d) Kiểm tra các máy móc, thiết bị khu vực tiếp nhận và sơ chế chất thải rắn sinh hoạt (trạm cân, máy xúc gầu, trạm rửa xe,...); điều kiện kỹ thuật của lò đốt (buồng đốt sơ cấp, thứ cấp) đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống xử lý khí thải; thu gom, lưu giữ tro bay, xỉ đáy lò; xử lý nước thải (bơm hóa chất, bơm nước thải, máy khuấy, máy sục khí,…) và các máy móc, thiết bị cần thiết khác đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
2. Tiếp nhận và sơ chế chất thải rắn sinh hoạt
a) Kiểm tra lệnh vận chuyển. Hướng dẫn phương tiện vận chuyển chất thải qua trạm cân khi vào và ra khỏi cơ sở xử lý để xác định khối lượng; xuất phiếu cân giao nhận chất thải; ghi chép số liệu chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận;
b) Hướng dẫn phương tiện vận chuyển đổ chất thải vào khu vực tập kết; qua trạm rửa xe để đảm bảo vệ sinh môi trường trước khi ra khỏi cơ sở xử lý;
c) Phân loại chất thải để tiếp tục thu hồi, phân tách các loại chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và loại bỏ chất thải nguy hại trước khi đưa vào lò đốt;
d) Phun chế phẩm khử mùi, hóa chất diệt côn trùng tại khu vực tập kết. Đảo trộn chất thải rắn sinh hoạt để giảm độ ẩm trước khi nạp vào lò đốt, loại bỏ chất thải không có khả năng đốt.
3. Vận hành lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống xử lý khí thải, hệ thống thu hồi tro bay, thu gom xỉ đáy lò.
a) Nạp chất thải rắn sinh hoạt vào cửa tiếp nhận của lò đốt bằng thiết bị nạp;
b) Vận hành lò đốt đúng quy trình, công suất thiết kế. Kiểm soát liên tục các thông số, yêu cầu kỹ thuật của lò đốt (áp suất, lượng khí cấp vào, nồng độ oxy, nhiệt độ, thời gian lưu cháy,...) trong suốt quá trình vận hành lò đốt. Phun nhiên liệu bổ sung trong trường hợp nhiệt độ không đảm bảo yêu cầu theo quy định;
c) Vận hành hệ thống xử lý khí thải để xử lý bụi, nitơ oxyt (NOx), lưu huỳnh dioxyt (SOx), axit Clohydric (HCl), axit Flohydric (HF),... và chất hữu cơ (VOC), dioxin, furan,... đảm bảo thành phần khí thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định. Quan trắc, giám sát khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu quan trắc về cơ quan quản lý môi trường theo quy định;
d) Kiểm soát, làm ẩm tro xỉ đáy lò nhằm giảm thiểu phát sinh bụi; vận chuyển tro xỉ đáy lò về khu vực lưu giữ, xử lý theo quy định;
đ) Vận hành hệ thống thu hồi tro bay và vận chuyển tro bay về khu vực lưu giữ; phân định, quản lý, xử lý tro bay theo quy định.
4. Thu gom, xử lý nước thải
a) Thu gom nước thải từ các nguồn phát sinh (nước rỉ rác, nước thải từ hệ thống xử lý khí thải, nước thải sinh hoạt và nước thải từ vệ sinh nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động,...) về hệ thống xử lý nước thải hoặc chuyển giao để xử lý theo quy định;
b) Xử lý nước thải bằng phương pháp hóa lý kết hợp sinh học, lắng, lọc, khử trùng hoặc phương pháp phù hợp khác đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường để tái sử dụng hoặc thải ra môi trường theo quy định;
c) Thu gom, lưu giữ, phân định và xử lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải theo quy định.
5. Kết thúc ca làm việc
a) Kiểm kê, kiểm tra, bàn giao máy móc, thiết bị, vật liệu, dụng cụ lao động cho ca tiếp theo;
b) Vệ sinh, tập kết phương tiện, dụng cụ lao động vào vị trí quy định;
c) Vệ sinh môi trường, máy móc thiết bị tại từng bộ phận khi hết ca làm việc;
d) Quét dọn chất thải tại các đường giao thông nội bộ, hành lang, khu vực tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt; khơi thông hệ thống mương thoát nước; phun chế phẩm khử mùi, hóa chất diệt côn trùng;
đ) Thống kê, báo cáo các thông tin, số liệu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Last updated
Was this helpful?