Điều 37. Vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản

1. Phạt tiền đối với hành vi cắm mốc điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đã cắm mốc nhưng không đúng quy cách theo quy định hoặc có hồ sơ chứng minh đa cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản nhưng để mất mốc;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản đúng quy cách nhưng chưa đầy đủ số lượng mốc theo quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản; trường hợp đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để bàn giao theo quy định.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không thực hiện việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:

a) Phạt cảnh cáo đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 0,1 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 0,5 m đến dưới 01 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 01 m đến dưới 02 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên cụ thể như sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,5 ha đến dưới 01 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 02 m đến dưới 03 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau:

a) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

d) Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản theo giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là vàng, bạc, platin, đá quý; khoáng sản độc hại.

6. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ; hộ kinh doanh) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 01 ha đến dưới 1,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 03 m đến dưới 05 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau:

a) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

c) Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khoáng sản theo giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại.

7. Trường hợp hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 01 ha trở lên đối với hộ kinh doanh (1,5 ha trở lên với trường hợp còn lại); vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 05 m trở lên trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên được coi là hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất đối với loại khoáng sản tương ứng quy định tại Điều 47 Nghị định này.

8. Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác, cụ thể như sau:

a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 02 m;

b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác cát; sỏi vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100 m đến dưới 200 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 02 m đến dưới 05 m;

c) Trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 200 m trở lên hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 05 m trở lên được coi là hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất tương ứng quy định tại điểm e khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 48 Nghị định này.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần: Từ 03 tháng đến dưới 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 4, từ 06 tháng đến dưới 09 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 5 và điểm a khoản 8, từ 09 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 6 và điểm b khoản 8, từ 12 tháng đến 15 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 7 và điểm c khoản 8 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ còn phải đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra;

b) Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này;

c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này.

Last updated